Giỏ hàng
Các thông số quan trọng nhất khi chọn dầu nhớt cho máy công trình

TƯ VẤN LẮP ĐẶT - VẬN HÀNHNgày: 09-04-2020 bởi: Nguyễn Thanh Tùng

Các thông số quan trọng nhất khi chọn dầu nhớt cho máy công trình

Khi lựa chọn dầu nhớt động cơ, người sử dụng cần quan tâm tới hai thông số quan trọng nhất là cấp độ nhớt SAE và cấp hiệu năng (còn được gọi là cấp chất lượng hoặc phẩm cấp) API.

Tìm hiểu về cấp hiệu năng API

Phẩm cấp API là thông số do Viện dầu mỏ Mỹ dùng để phân loại chất lượng của nhớt động cơ và diesel. API bắt đầu được áp dụng rộng rãi từ những năm 1960 và theo sự phát triển của thiết kế động cơ, cứ sau khoảng 4 – 5 năm sẽ có một cấp API mới để đáp ứng đủ yêu cầu bôi trơn của động cơ mới.

Đối với nhớt động cơ xăng, cấp hiệu năng có kí hiệu là API SA, SB, SC, SD,… tới SN là cấp mới nhất. Các cấp được xếp theo bảng chữ cái, chữ cái càng sau thì phẩm cấp càng cao hơn. Ví dụ API SN cao hơn API SM.

Nhớt động cơ diesel được chia thành các cấp API CA, CB, CC, CD,.. Ngoài chức năng bảo vệ và kéo dài tuổi thọ, nhớt còn giúp động cơ giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm thiểu khí xả độc hại nên việc lựa chọn nhớt có phẩm cấp phù hợp cũng rất quan trọng.

Phẩm cấp API là thông số do Viện dầu mỏ Mỹ dùng để phân loại chất lượng của nhớt động cơ và diesel.

Hiện nay, các cấp chất lượng mới nhất là API SN và API CJ-4 (số 4 biểu thị loại nhớt dành cho động cơ 4 thì) được đánh giá theo các yếu tố: 

• Khả năng tiết kiệm nhiên liệu: độ nhớt thấp, đa cấp.

• Khả năng bảo vệ động cơ: chống cặn bám, chống mài mòn,…

• Thời gian sử dụng nhớt và phin lọc.

• Bảo vệ thiết bị xử lý khí xả.

Các tiêu chuẩn này do Viện dầu mỏ Mỹ đặt ra nên quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt. Những sản phẩm dán nhãn API đều được trải qua quá trình đánh giá, thử nghiệm thực tế trước khi được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn API.

Đối với xe máy công trình hiện nay, người sử dụng cần chọn các phẩm cấp cao như API SL, SM, SN cho động cơ xăng hay API, CH-4, CI-4 cho động cơ diesel để bảo vệ động cơ cũng như giúp máy chạy ổn định.

Cấp độ nhớt SAE

Đây là tiêu chuẩn do hiệp hội kỹ sư ô tô Mỹ dùng để biểu thị độ đặc – loãng của dầu nhớt và được kí hiệu SAE 30, 40, 50. Số càng lớn nghĩa là nhớt càng đặc, khả năng bôi trơn càng tốt. Các cấp độ nhớt này được xác định ở 100 độ C (nhiệt độ trung bình khi động cơ làm việc) nên được gọi là độ nhớt đơn cấp ở nhiệt độ cao.

Một trong những đặc tính của dầu nhớt bôi trơn là độ nhớt thay đổi theo nhiệt độ, khi nhiệt độ tăng thì nhớt loãng ra và ngược lại nhớt sẽ đặc khi nhiệt độ giảm. Do đó, các loại nhớt đơn cấp chỉ đạt được độ nhớt ở nhiệt độ cao còn khi nhiệt độ thấp, nhớt đơn cấp thường quá đặc gây khó khăn cho việc lưu thông trong động cơ.

Để khắc phục điểm này, các loại dầu nhớt đa cấp như SAE 15W-40, 10W-30, 20W-50 được chế tạo ra. Loại nhớt này vừa đảm bảo nhớt không quá đặc ở nhiệt độ thấp vừa đáp ứng yêu cầu bôi trơn ở nhiệt độ cao.

Các loại dầu nhớt đa cấp như SAE 15W-40, 10W-30, 20W-50 được chế tạo để khắc phục nhược điểm của dầu nhớt đơn cấp.

Trong kí hiệu dầu nhớt đa cấp trên, số đứng trước “W” chỉ khoảng nhiệt độ mà động cơ sẽ khởi động tốt khi dùng nhớt đó. Nhiệt độ đó được xác định bằng công thức: Lấy 30 trừ đi số đó nhưng dùng nhiệt độ âm. Ví dụ với nhớt 10W-30, động cơ khởi độ tốt ở -20 độ C.

Theo thói quen sử dụng, nhiều khách hàng quan niệm rằng loại nhớt càng đặc thì càng tốt, tuy nhiên với công nghệ phát triển hiện nay thì các loại nhớt có độ nhớt thấp như SAE 15W-40 hay 10W-30 chứa thêm một số loại phụ gia dầu nên vừa có tác dụng bôi trơn và bảo vệ tốt động cơ, lại vừa giảm tiêu hao nhiên liệu, giúp xe khởi động và vận hành ổn định. Do vậy, khách hàng nên lựa chọn các loại dầu nhớt động cơ đa cấp và có độ nhớt thấp để sử dụng, đặc biệt là ở những nước có khí hậu nóng như Việt Nam.

Facebook Youtube Zalo